Luật Khánh Phong

Công ty có phải mua lại phần vốn góp của thành viên

Thành viên công ty được hưởng lợi nhuận cũng như tiến hành việc quản lý, điều hành công ty dựa trên phần vốn góp mà mình sở hữu. Khi thành viên công ty không muốn sở hữu phần vốn góp đó nữa thì có quyền được bán cho người khác hoặc yêu cầu công ty mua lại hay không? Pháp luật có quy định như thế nào về vấn đề này?

Bài viết mới:

1. Khái quát về mua lại phần vốn góp của thành viên công ty

Tổng giá trị của phần vốn góp mà các thành viên sở hữu hoặc cam kết góp khi thành lập công ty tạo nên vốn điều lệ trong công ty.

Thành viên trong công ty phải tiến hành góp đủ và đúng các loại tài sản như cam kết trong thời hạn nhất định do pháp luật quy định và có quyền, nghĩa vụ ướng ứng với phần vốn góp mà thành viên đó cam kết khi thành lập công ty.

Khi góp vốn vào công ty thì công ty phải tiến hành cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên đó tương ứng với phần giá trị sở hữu. Giấy chứng nhận phần vốn góp phải có các nội dung cơ bản như: tên, trụ sở công ty, mã số doanh nghiệp, vốn điều lệ trong công ty, thông tin cơ bản của thành viên góp vốn trong công ty. giá trị của phần vốn góp, ngày cấp giấy chứng nhận, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.

Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành thì việc mua lại phần vốn góp của thành viên chỉ áp dụng đối với mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Pháp luật quy định thành viên trong mô hình công ty này không được tiến hành rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ các trường hợp theo quy định pháp luật, trong đó có hình thức công ty mua lại phần vốn góp của thành viên.

Nguyên nhân pháp luật có quy định như vậy bởi mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên vừa là mô hình công ty đối nhân, vừa là mô hình công ty đối vốn, hơn nữa giới hạn số lượng thành viên là 50 thành viên nên sẽ hạn chế việc thành viên rút vốn ra khỏi công ty của mình.

2. Thủ tục mua lại phần vốn góp của thành viên công ty

Công ty TNHH hai thành viên trở lên mua lại phần vốn góp khi có yêu cầu của thành viên công ty.

Thành viên công ty có quyền yêu cầu việc công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu không tán thành nghị quyết của Hội đồng thành viên công ty về các vấn đề sau:

– Bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của thành viên đó, của Hội đồng thành viên được ghi nhận trong điều lệ.
– Vấn đề tổ chức lại mô hình của công ty bao gồm sáp nhập, hợp nhất, chia và tách công ty.
– Các trường hợp công ty mua lại phần vốn góp khác theo quy định tại Điều lệ của công ty.
Việc yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình thì thành viên phải lập văn bản yêu cầu và gửi đến công ty trong vòng 15 ngày từ ngày thông qua nghị quyết về các vấn đề nêu trên.

Công ty và thành viên công ty thỏa thuận về giá mua lại phần vốn góp mà thành viên sở hữu. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì công ty mua lại phần vốn góp theo giá thị trường tại thời điểm yêu cầu hoặc mua lại theo nguyên tắc ghi nhận trong Điều lệ.
Điều kiện để công ty mua lại phần vốn góp của thành viên đó là công ty vẫn đảm bảo phải thanh toán được đầy đủ và đúng hạn các khoản nợ hay nghĩa vụ tài chính khác của công ty khi đến hạn.

Công ty xem xét dựa vào tình hình kinh tế, nhu cầu của công ty mình tại thời điểm thành viên yêu cầu mua lại phần vốn góp thì có thể quyết định việc mua lại hoặc không mua lại phần vốn góp mà thành viên đó sở hữu.

Về nguyên tắc thì thành viên công ty TNHH hai thành viên không được rút vốn khỏi công ty dưới mọi hình thức khác nhau. Tuy nhiên trong trường hợp mà thành viên đó yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình mà công ty không có quyết định mua lại thì thành viên đó mới có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp cho thành viên công ty hoặc cho người khác mà không phải là thành viên công ty theo quy định của pháp luật.

Công ty có thể mua lại phần vốn góp của thành viên dựa vào nhu cầu thực tiễn của công ty mình và phải tuân thủ các điều kiện, thủ tục theo quy định. Liên hệ ngay qua Hotline: 1900.6296  để được tư vấn và hỗ trợ miễn phí về vấn đề này.

Exit mobile version